test

Chuẩn bị hồ sơ là bước quan trọng đầu tiên của quá trình tìm việc. Một hồ sơ tốt cho bạn cơ hội được mời phỏng vấn rất nhanh; nhưng một hồ sơ quá bình thường sẽ có nguy cơ nằm gọn trong sọt rác của nhà tuyển dụng. Nhiều ứng viên cho rằng cứ trình bày càng đầy đủ và chi tiết sẽ thu hút được nhà tuyển dụng. Thế nhưng, thực tế không hẳn như vậy: bạn cần biết chọn lọc thông tin nào là quan trọng nhất để nêu trong CV của mình.

ĐỪNG:

Bắt đầu CV với học vấn của bạn. Đối với nhà tuyển dụng, học vấn không quan trọng bằng kinh nghiệm làm việc của ứng viên.

Bỏ qua những khoảng trống thời gian làm việc. Nếu bạn có bất kỳ khoảng trống nào trong quá trình làm việc, bạn nên giải thích ngắn gọn trong thư xin việc; nhưng đừng bao giờ bỏ qua những mốc thời gian đó trong CV.

Liệt kê những công việc hơn 15 năm trước đây. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều muốn biết kinh nghiệm làm việc của bạn, nhưng bạn chỉ nên đề cập những kinh nghiệm trong vòng 10 năm trở lại đây và tập trung mô tả những công việc trong 5 năm gần đây.

Nêu thông tin cá nhân. Đừng bao giờ đề cập quá chi tiết về cá nhân bạn trong hồ sơ ví dụ như bạn đã kết hôn hay chưa, chồng/vợ bạn làm nghề gì hay bạn có bao nhiêu con cái…

Trình bày hồ sơ thiếu chuyên nghiệp. Đừng để những lỗi do cẩu thả như: lem dấu cà phê lên hồ sơ hay in hồ sơ trên giấy tiêu đề của công ty… làm hỏng bộ hồ sơ được chuẩn bị công phu của bạn. Bạn cũng nên kiểm tra lại thật kỹ những thông tin liên lạc như điện thoại, địa chỉ, email của bạn trước khi gửi hồ sơ đến nhà tuyển dụng.

Nêu không đúng chức danh của bạn. Nếu nhà tuyển dụng phát hiện ra bạn thay đổi chức danh hay phóng đại trách nhiệm công việc, chính bạn đã đánh mất cơ hội tìm được việc làm mơ ước của mình.

NÊN:
Bắt đầu hồ sơ với kinh nghiệm của bạn. Nhà tuyển dụng luôn muốn biết bạn đã đóng góp được gì cho những công ty trước để đánh giá năng lực của bạn khi làm việc với công ty họ.

Nêu bật các thành tích của bạn. Bạn nên trình bày thật rõ những thành tích nổi bật đã đạt được trong quá khứ. Đừng quên nêu rõ con số cụ thể chứng minh năng lực của bạn. Ví dụ như năm ngoái, bạn đã góp phần làm tăng doanh số của công ty lên 79%...

Nêu rõ học bổng và giải thưởng bạn đã đạt được. Bạn nên nêu ngắn gọn những thành tích học tập của bạn ngay dưới phần học vấn. Bạn chỉ nên đề cập những thành tích có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Nhấn mạnh các kỹ năng của bạn. Bạn nên nhớ rằng chính các kỹ năng sẽ làm bạn nổi bật hơn các ứng viên khác. Nhiều nhà tuyển dụng quyết định chọn ứng viên có những kỹ năng nổi bật hơn hẳn so với các ứng viên có cùng trình độ và kinh nghiệm.

Trình bày hồ sơ trên hai trang giấy. Thông thường một hồ sơ không nên dài hơn hai trang giấy, trừ phi bạn có nhiều ưu thế và kinh nghiệm thật sự nổi bật.

Vietnamworks 
 
Top